Thị trường truyền hình OTT: Cuộc chơi không công bằng!
4071 views
18-01-2022
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Business.Cosmolife.vn) Thời gian qua, các dịch vụ truyền hình trả tiền qua ứng dụng OTT (OTT TV) đã dần trở nên quen thuộc với nhiều gia đình người Việt nhờ có nhiều lựa chọn giải trí, học tập..., đặc biệt trong thời gian giãn cách xã hội vì COVID-19.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nội đang cung cấp các dịch vụ OTT TV cho rằng họ đang gặp nhiều bất công khi cạnh tranh với các doanh nghiệp xuyên biên giới ngay trên chính "sân nhà". Vì sao?

OTT TV ngày càng quen thuộc

Trong thời gian giãn cách xã hội, hai con gái của anh Nhật Vinh (TP Thủ Đức, TP.HCM) đều phải ở nhà gần như 24/7 và xem cái gì đó trên tivi, điện thoại, iPad... là "món" giải trí thường ngày. "Người lớn cũng thế thôi nếu không phải làm việc gì khác. Nhà tôi dùng dịch vụ Netflix, ClipTV, FPT Play vì những ứng dụng này có nhiều lựa chọn xem phim, giải trí hơn hẳn dịch vụ truyền hình truyền thống" - anh Vinh nói. 

Tương tự, anh Thanh Dân (quận 7) cũng cho biết thời gian xem tivi của các thành viên gia đình anh tăng lên rõ rệt. 

Anh Dân chia sẻ: "Gia đình tôi chủ yếu sử dụng 3 dịch vụ. Tôi thường sử dụng dịch vụ ClipTV xem tin tức VTV1 vào mỗi sáng. Các con tôi mỗi ngày được cho phép 2 tiếng xem tivi vào lúc 8h tối. Chúng xem qua dịch vụ Netflix kids và YouTube kids".

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, tivi gần như được bật suốt ngày trong nhiều gia đình tại TP.HCM trong thời gian giãn cách xã hội. 

Bên cạnh việc theo dõi các chương trình tin tức thời sự về tình hình, diễn biến dịch bệnh COVID-19, giải trí chiếm đại đa số thời gian xem tivi còn lại của các thành viên trong gia đình. 

Các dịch vụ truyền hình OTT TV như FPT Play, ClipTV, Netflix, MyTV, NetTV... với nhiều nội dung và thể loại, giờ giấc chủ động hơn truyền hình truyền thống.

Theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, tính đến thời điểm cuối năm 2021, thuê bao OTT TV tại Việt Nam đạt xấp xỉ 3,7 triệu, chiếm hơn 20% tổng thuê bao truyền hình trả tiền cả nước, trong khi một thống kê không chính thức vào thời điểm cuối năm 2020 cho thấy số thuê bao chỉ khoảng 1 triệu. 

Như vậy có thể thấy trong năm 2021 lượng thuê bao dịch vụ OTT TV tại Việt Nam đã tăng rất mạnh.

"Đại chiến" nội - ngoại

Cũng theo thống kê của Bộ Thông tin và truyền thông, Việt Nam hiện có 22 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV. Dẫn đầu thị trường OTT TV trong nước hiện nay là các doanh nghiệp có sẵn hạ tầng viễn thông lớn, như FPT (với dịch vụ FPT Play), Viettel (Next TV), VNPT (MyTV)... 

Các doanh nghiệp này có điểm chung lợi thế là ngoài kinh doanh dịch vụ truyền hình còn kinh doanh nhiều dịch vụ viễn thông khác trên cùng hạ tầng truyền dẫn. Song song đó còn có các dịch vụ OTT TV khác có nhiều nội dung nổi trội, thu hút khá đông người dùng như Galaxy, VieON, ClipTV... 

Bên cạnh dịch vụ của các doanh nghiệp trong nước, các OTT TV xuyên biên giới cũng ngày càng phát triển mạnh tại thị trường Việt Nam nhờ sự bùng nổ của Internet băng rộng, có thể kể đến như Netflix, WeTV, IQIYI, iFlix, Apple TV...

Vì vậy, các chuyên gia trong ngành nhận định thị trường OTT TV tại Việt Nam đang chứng kiến một cuộc "đại chiến" giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài thông qua ứng dụng OTT TV xuyên biên giới. 

Chẳng hạn, xét về hạ tầng, doanh nghiệp nội (FPT, Viettel, VNPT) có lợi thế về đường truyền, sự gần gũi với người dùng trong nước... 

Xét về mặt nội dung, các OTT TV nội hơn hẳn ở lĩnh vực truyền hình, thể thao, đặc biệt là các chương trình trực tiếp. Trong khi đó, các OTT TV xuyên biên giới lại vượt trội ở mảng phim ảnh, video theo yêu cầu (VOD)...

Xét về mặt doanh thu, các dịch vụ xuyên biên giới lại đang thống lĩnh thị trường Việt Nam. Chẳng hạn, theo thống kê của App Annie - một công cụ nghiên cứu thị trường ứng dụng chuyên nghiệp dành cho các nhà phát triển, nổi tiếng toàn cầu - chỉ tính riêng trên điện thoại dùng hệ điều hành Android vào đầu năm 2020, Netflix đã có 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam, WeTV có hơn 630.000 người dùng, IQIYI có hơn 445.000 người dùng. 

Nếu lấy doanh thu trung bình của Netflix với một người dùng tại Việt Nam là 200.000 đồng/tháng thì dịch vụ này sẽ có tổng doanh thu lên đến 320 tỉ đồng/tháng.

Những con số từ thống kê của App Annie chỉ là thời điểm đầu năm 2020, trong khi từ đó đến cuối năm 2021 lượng người dùng các dịch vụ này đã tăng rất mạnh. 

Qua đó cũng có thể thấy doanh thu của các OTT TV nội "lép vế" như thế nào so với OTT TV xuyên biên giới ngay chính trên "sân nhà" của mình.

Thị trường truyền hình OTT: Cuộc chơi không công bằng! - Ảnh 3.

Bất công cho doanh nghiệp nội?

Mặc dù chiếm tỉ trọng doanh thu rất lớn nhưng các OTT TV xuyên biên giới chưa được Bộ Thông tin và truyền thông cấp phép cung cấp dịch vụ tại thị trường Việt Nam. Do đó, xét về mặt tuân thủ pháp luật, các OTT TV đang vi phạm nghiêm trọng trong nhiều năm nay. 

Việc vi phạm còn bao gồm hành vi "bỏ qua" các yêu cầu về biên tập, kiểm soát nội dung trước khi cung cấp đến người dùng. Theo Bộ Thông tin và truyền thông, nội dung không biên tập gây rủi ro rất lớn và có thể tác động lâu dài đến nhận thức của người dân cả nước.

Chẳng hạn, một số phim trên dịch vụ Netflix có các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam (như: Gửi thời thanh xuân ấm áp của chúng ta phát vào tháng 8-2020, Bà ngoại trưởng tháng 9-2020); nội dung vi phạm văn hóa (như: Vũ công nhỏ đáng yêu, 365 ngày, Polar, loạt truyền hình thực tế Too hot, too handle)... 

Đặc biệt có những phim làm sai lệch lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc như phim tài liệu Vietnam war. Bên cạnh việc không tuân theo bất kỳ sự quản lý nào về mặt hoạt động và quản lý nội dung, các OTT TV xuyên biên giới cũng không đóng bất kỳ đồng thuế nào tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo chia sẻ của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ OTT TV trong nước, họ phải tuân thủ pháp luật cũng như nhiều quy định, nghĩa vụ liên quan đến cấp phép hoạt động; chỉnh sửa, dịch và kiểm duyệt nội dung phát hành; tỉ lệ giữa các kênh trong nước và các kênh nước ngoài... cũng như thuế và phí cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền. 

Thị trường truyền hình OTT: Cuộc chơi không công bằng! - Ảnh 4.

"Thực hiện các nghĩa vụ về thuế gây áp lực lớn cho OTT TV nội khi đưa ra giá thành bán cho người dùng cuối. Đó là chưa kể đến nạn vi phạm bản quyền đang tràn lan ở Việt Nam khiến ngành này rủi ro rất lớn vì đầu tư quá nhiều bản quyền nhưng doanh thu thì quá bé" - giám đốc một OTT TV nội cho biết.

Hơn nữa, theo đánh giá của nhà mạng Viettel, việc không bị kiểm duyệt khiến nội dung các dịch vụ OTT TV xuyên biên giới trở nên đa dạng và cung cấp rất nhanh, miễn phí đến người dùng trong khi OTT trong nước phải trả phí rất lớn cho các hoạt động này (kiểm duyệt, cung cấp, mua bản quyền...). 

Các nhà sản xuất nội dung tại Việt Nam (đài truyền hình, công ty sản xuất phim...) hiện rất hào hứng đưa nội dung lên các OTT xuyên biên giới để kinh doanh theo mô hình miễn phí nội dung, thu doanh thu từ quảng cáo. 

Trong khi đó các OTT có giấy phép trong nước phải trả phí cao để tiếp sóng nguyên vẹn nội dung này từ các đơn vị sản xuất nội dung nội bộ. 

"Điều này khiến các OTT trong nước khó phát triển vì vừa phải trả chi phí đầu tư nội dung cao, vừa bị kiểm duyệt chặt chẽ, do vậy phát sinh bộ máy lớn để tiền kiểm nội dung và nộp các khoản lệ phí hoạt động" - đại diện Viettel cho biết.

Edit: Doanh Nhân Thành Thị -Business.Cosmolife.vn | Source: Tuổi Trẻ
RELATED NEWS

YouTube thử nghiệm với Kênh Mr Beast để ra mắt tính năng Âm thanh đa ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Việt

6911 views
24-02-2023
Kênh MrBeast, nhà sáng tạo trên YouTube tiếp cận và mang lại niềm vui cho khán giả trên khắp thế giới thông qua các thử thách nhảy, mẹo rèn luyện sức khỏe hay những vlog hằng ngày nay, đã có tiếng Việt! Cùng chào đón tính năng Âm thanh đa ngôn ngữ mới trên YouTube.

ChatGPT có ý nghĩa gì đối với các doanh nghiệp trong tương lai?

6951 views
20-02-2023
ChatGPT gần đây đã trở thành chủ đề nóng khi đánh dấu bước tiến mới của trí tuệ nhân tạo song cũng đặt ra dấu hỏi lớn về những tác động của công cụ này với tương lai của các doanh nghiệp…

Cơn ác mộng kinh hoàng của mọi phụ huynh trên TikTok

6348 views
20-02-2023
Hàng tỷ video được tải lên TikTok mỗi tháng, trong đó có vô số trẻ em và trẻ vị thành niên hát, nhảy hoặc nói về cuộc sống cá nhân. Và nhiều kẻ ấu dâm tìm đến nội dung này.

Đại gia công nghệ: Mây tan, lợi nhuận tàn

1881 views
06-02-2023
Báo cáo kinh doanh của các ông lớn ngành công nghệ càng củng cố thêm nhận định sự bùng nổ của dịch vụ đám mây đang hạ nhiệt trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái và trí tuệ nhân tạo trở thành động lực tăng trưởng tiếp theo.

TikTok đứng trước nguy cơ bị cấm vĩnh viễn tại châu Âu, nguyên nhân là gì?

6720 views
22-01-2023
Tương lai của TikTok tại châu Âu đang khá mịt mờ, và nếu không tuân thủ theo đạo luật dưới đây, nền tảng mạng xã hội TikTok nhiều khả năng sẽ bị cấm tại nhiều quốc gia EU.