(Business.Cosmolife.vn) Mặc dù bạn có thể cảm thấy không hề vui vẻ nhưng việc trải qua cảm giác hối tiếc là cơ hội tuyệt vời để bạn hiểu thêm về bản thân và những gì bạn thực sự muốn trong sự nghiệp của mình.
Vào năm 2021, một con số kỷ lục là 47,4 triệu người đã bỏ việc trong thời kỳ đại dịch và xu hướng Bỏ cuộc lớn. Theo một cuộc thăm dò của ResumeBuilder.com với 1.250 người lao động ở Mỹ, khoảng 23% nhân viên sẽ tìm kiếm công việc mới trong năm nay.
Đây là thị trường việc làm nóng nhất mà chúng ta từng được thấy. Nhưng không phải ai cũng dám rời bỏ vị trí của mình cho những "đồng cỏ xanh tươi hơn".
Với tư cách là Giám đốc điều hành của Korn Ferry, công ty tư vấn tổ chức lớn nhất thế giới, tôi đã dành hơn một thập kỷ để tư vấn cho mọi người ở mọi giai đoạn trong hành trình tìm kiếm việc làm của họ. Và trong vài tháng qua, tôi nhận thấy một vấn đề chung: Người ta ước rằng họ đã không bỏ việc đột ngột như vậy.
Phần lớn những câu hỏi mà tôi nhận được từ những người khác đều gần như có một nội dung chung kiểu: "Tôi đã bỏ công việc của mình để đến với một vị trí lương cao hơn ở một công ty khác. Bây giờ tôi rất hối hận về điều đó. Tôi có nên quay trở lại với công việc cũ hay không?"
Nên làm gì khi bạn hối hận vì đã bỏ việc?
Mặc dù bạn có thể cảm thấy không hề vui vẻ nhưng việc trải qua cảm giác hối tiếc là cơ hội tuyệt vời để bạn hiểu thêm về bản thân và những gì bạn thực sự muốn trong sự nghiệp của mình.
Mặc dù không có gì sai khi quay trở lại với công việc cũ, nhưng bạn cũng cần nhớ một điều rằng bất kỳ lý do hay hành vi nào khiến bạn rời đi, nó có thể sẽ vẫn ở đó và không thay đổi. Có thể bạn muốn quay lại chỉ vì đó là con đường quen thuộc nhất.
Dưới đây là bốn câu hỏi chính bạn cần cân nhắc trước khi quyết định có nên quay trở lại với công việc cũ hay không:
Bạn có chặn đứng lối về của mình trước khi rời đi hay không?
Hãy suy nghĩ một cách nghiêm túc về cách bạn cư xử trong những ngày cuối cùng ở công ty. Tại sao bạn nói mình sẽ rời đi? Mọi người đã phản hồi như thế nào?
Nếu bạn trút hết nỗi thất vọng và hành động tiêu cực theo cách của mình, sẽ không còn đường quay trở lại. Nếu không có các mối quan hệ bền chặt hay một cách cư xử khéo léo trước đó, việc hòa nhập lại với "vai diễn cũ" có thể sẽ khó diễn ra một cách thoải mái.
Dù có bức xúc tới đâu, tôi khuyên mọi người đừng làm điều gì dại dột khiến bạn không còn đường để rút lui. Một thái độ hòa nhã sẽ giúp chừa cho bạn một đường lui trong trường hợp bạn muốn quay lại với vị trí thân thuộc này. Hơn nữa, dù không làm việc cùng công ty, đồng nghiệp vẫn có thể là bạn bè, vẫn có thể giúp đỡ lúc ta cần, vì vậy, tốt hơn hết là đừng cư xử quá khích.
Tại sao bạn nghỉ việc?
Luôn có một lý do khiến bạn rời đi. Có thể bạn không hòa hợp với nhóm của mình. Nếu đúng như vậy, liệu có gì thay đổi khi bạn quay trở lại không? Hãy đảm bảo rằng bạn không tự mắc kẹt với một vấn đề tương tự nữa.
Quyết định nghỉ việc của bạn cũng có thể liên quan đến tiền lương. Thông thường, mọi người bỏ việc để tìm một công việc được trả lương cao hơn mà không cân nhắc những đặc quyền "phi tiền tệ" mà họ có thể mất đi.
Đúng, tiền là quan trọng. Nhưng nghiên cứu cho thấy rằng nó chỉ liên quan một chút đến sự hài lòng trong công việc. Công việc có ý nghĩa, các mối quan hệ bền chặt và cơ hội phát triển có thể mang lại nhiều giá trị hơn.
Bạn có đang mở rộng bộ kỹ năng của mình không?
Nếu bạn không học hỏi hay phát triển khi làm công việc cũ, vậy tại sao bạn phải quay lại?
Lý do tốt nhất để đón nhận một cơ hội mới là để bạn có thể mở rộng kiến thức và học hỏi những kỹ năng mới. Và chúng là những thứ sẽ giúp bạn đạt được chức danh cao hơn hay tăng lương.
Bạn sẽ chẳng muốn trở lại với một vai trò giống hệt như lúc trước khi bạn rời đi, đặc biệt là nếu bạn cảm thấy mình "bị đóng hộp".
Bạn có thích sếp của mình không?
Đây không chỉ là vấn đề về tính cách. Sếp của bạn có ảnh hưởng đến mức độ phát triển của bạn nhiều hơn bất kỳ ai, họ là người quyết định có giao cho bạn những nhiệm vụ kéo dài hay những trách nhiệm bổ sung nhằm xây dựng kỹ năng và kinh nghiệm hay không.
Không gì bằng làm việc cho một người ủng hộ bạn, đầu tư vào thành công của bạn và cho bạn nhiều không gian để phát triển.
Phải làm gì nếu quay lại với công việc cũ không phải là một lựa chọn?
Người ta thường tiếp cận con đường sự nghiệp của họ như những nấc thang, đi từ từ và ổn định lên trên với đôi mắt hướng về vị trí mà họ muốn trong 10 năm tiếp theo.
Tuy nhiên, ngày nay, những con đường sự nghiệp giống như mê cung quanh co, và sự tập trung của người tìm việc thường chỉ giữ được khoảng 2 đến 3 năm. Điều khiến việc nhảy việc trở nên phổ biến hơn bao giờ hết.
Sống trong xu hướng như vậy, việc của bạn là hãy lập danh sách các công ty mà bạn muốn làm việc trong giai đoạn này của cuộc đời. Những vị trí nào sẽ phù hợp nhất với bạn? Bạn muốn làm việc cho kiểu sếp nào? Sau đó, hãy nghĩ xem ai trong mạng lưới bạn bè của bạn có thể giới thiệu cho bạn.
Và khi đến giai đoạn phỏng vấn, hãy tập trung vào việc kể câu chuyện của bạn, và luôn nhớ rằng hãy trung thực và tạo ra sự kết nối.
Edit: Doanh Nhân Thành Thị - Business.Cosmolife.vn | Source: Doanh Nghiệp và Tiếp Thị