(Business.Cosmolife.vn) Công nghệ blockchain phát triển nhanh chóng mang lại những cơ hội tăng trưởng đột phá cho ngành tài chính nhưng cũng đặt ra thách thức mới cho nhiệm vụ phòng, chống rửa tiền thông qua các giao dịch tiền mã hóa do quy định pháp lý chưa đầy đủ, quy trình còn chưa hoàn thiện và thiếu nhân sự chất lượng cao trong ngành này.
Sáng nay, ngày 22/9, tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chi nhánh TP.HCM, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam phối hợp tổ chức hội nghị “Quy định về phòng, chống rửa tiền và vai trò của phòng, chống rửa tiền trong giao dịch tiền mã hóa” trong khuôn khổ triển khai Luật Phòng, chống rửa tiền, Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 hướng dẫn thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền. Trước đó, sự kiện tương tự đã diễn ra tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại Hà Nội, ngày 20/9.
Chương trình có sự tham dự của lãnh đạo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại diện một số ủy ban khác của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước; Cục Phòng, chống rửa tiền; Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công An, Ủy ban Giám sát Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội, Viện Kinh tế số, các tổ chức tín dụng, công ty công nghệ trong và ngoài nước như BMC, Alpha True, AICs, Nami Foundation, SCI Labs, Medoo,… cùng hơn 500 cán bộ thuộc các hội viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tham dự trực tiếp và qua các điểm cầu truyền hình trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Minh Thơ, Cục phó – Cục phòng, chống rửa tiền – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nói: “Hiện nay sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số đã tạo ra những bước phát triển mạnh mẽ trong đời sống, kinh tế, xã hội, thay đổi căn bản nhiều thói quen và các dịch vụ truyền thống, đặc biệt là những dịch vụ tài chính, ngân hàng. Điều này mang lại lợi ích to lớn cho xã hội nhưng cũng tạo điều kiện để việc thực hiện các hành vi phạm tội trong đó có hành vi rửa tiền trở nên nguy hiểm, tinh vi và phức tạp hơn. Càng ngày càng có nhiều tội phạm lạm dụng công nghệ cao để thực hiện những hoạt động phi pháp và rửa các khoản tiền bất chính bằng công nghệ. Nhận thức được những ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng của tội phạm rửa tiền, trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam cũng đã và đang có nhiều hành động nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCRT, trong đó phải kể đến việc Quốc Hội ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH15 ngày 15/11/2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/03/2023, thay thế Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền và Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 hướng dẫn chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền. Các văn bản quy phạm pháp luật này được ban hành nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền; xây dựng hệ thống pháp luật về phòng, chống rửa tiền phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền”.
Ông Nguyễn Đoan Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Nguyên Phó Chủ tịch - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, phát biểu: “Ngành công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã mở ra một kỷ nguyên mới về công nghệ và tác động sâu rộng tới nhiều lĩnh vực của nền kinh tế nhờ các tính năng quan trọng như tính bảo mật và quyền riêng tư. Trên thực tế, công nghệ blockchain đã được ứng dụng vào nhiều lĩnh vực, từ tài chính ngân hàng, đến thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe, thể thao giải trí, bảo hiểm, logistics và nhiều ngành dịch vụ khác. Tuy nhiên, sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ mang lại những lợi ích đặc biệt về kinh tế, xã hội mà còn tạo ra các tồn tại vô hình và thách thức trong công tác quản lý, đặc biệt là đối với các hoạt động rửa tiền xuyên biên giới. Rửa tiền là hành vi tội phạm được định nghĩa là việc hợp pháp hóa các tài sản do phạm tội mà có. Theo Văn phòng Ma túy và Tội phạm trực thuộc Liên hợp quốc, tổng giá trị hoạt động rửa tiền trên toàn cầu mỗi năm có thể ngang bằng 2-5% GDP toàn thế giới, tương đương 800 - 2.000 tỷ USD - và đây là một ước tính thấp. Đặc biệt, rửa tiền thường liên quan đến việc buôn bán vũ khí bất hợp pháp, tài trợ khủng bố, buôn người, tham ô, giao dịch nội gián, đánh bạc hay các đường dây mại dâm xuyên biên giới do các tội phạm có tổ chức quy mô lớn thực hiện. Vì vậy, công tác phòng chống rửa tiền là ưu tiên của tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm Việt Nam từ rất sớm. Kể từ đó đến nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều lần lượt ban hành các quy định liên quan đến phòng chống rửa tiền và liên tục bổ sung, cập nhật các hệ thống quy định này nhằm theo kịp sự thay đổi của tình hình thực tiễn. Tuy nhiên, khi công nghệ blockchain ra đời, kéo theo đó là nguy cơ gia tăng tội phạm tài chính, rửa tiền sử dụng công nghệ cao theo chiều hướng tinh vi, phức tạp và tốc độ nhanh chóng thì phần lớn các quốc gia đều chưa có hành lang pháp lý theo kịp sự thay đổi này”.
Nội dung hội nghị nhằm triển khai các quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền đến các hội viên đồng thời khuyến cáo nguy cơ rửa tiền trong các giao dịch tiền mã hoá, tài sản số, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng cùng với sự chuyển đổi số mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, các tổ chức tội phạm sử dụng nhiều phương thức tinh vi để rửa tiền nhất là đối với các giao dịch tiền mã hoá. Mặc dù hiện nay chưa ghi nhận các vụ việc rửa tiền mã hoá tại Việt Nam nhưng đã có một công dân Việt Nam bị Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) phát lệnh truy nã. Đối với thị trường tiền mã hoá trong nước. Tính đến tháng 12/2022, Việt Nam có hơn 200 dự án blockchain hoạt động. Theo thống kê từ Statista, doanh thu từ các sàn giao dịch tiền mã hoá tại thị trường Việt Nam dự kiến đạt 109,4 triệu USD vào năm 2023, số lượng người dùng tiền mã hoá sẽ tăng thêm 12,37 triệu người vào năm 2027. Hơn nữa, Việt Nam đứng trong top 5 quốc gia có khối lượng giao dịch cao nhất trên sàn giao dịch Binance, theo báo cáo gần đây của Wall Street Journal.
Với sự gia tăng nhanh chóng này, trong bối cảnh các khung quy định dành cho thị trường tiền mã hoá còn bỏ ngỏ, nguy cơ hoạt động rửa tiền mã hoá tại Việt Nam sẽ tăng cao trong thời gian tới. Bên cạnh tội phạm rửa tiền mã hoá xuyên biên giới, thì tội phạm rửa tiền truyền thống ở trong nước cũng sẽ tìm đến thị trường đầy tiềm năng này do không bị ràng buộc pháp lý. Đặc biệt, Việt Nam gần đây bị đưa vào danh sách xám các nước cần tăng cường AML. Danh sách “xám” các nước cần được giám sát chặt chẽ của FATF gồm 20 quốc gia, trong đó có UAE, Syria, Panama, Quần đảo Cayman... FATF cho biết sẽ hoạt động để đảm bảo tính độc lập của các cơ quan chịu trách nhiệm điều tra tội phạm tài chính, quản lý tài sản số và tăng cường hợp tác quốc tế chống rửa tiền. Bên cạnh đó, lực lượng thực thi pháp luật còn thiếu kiến thức chuyên môn trong lĩnh vực blockchain. Để có thể chủ động theo dõi và phát hiện các hoạt động rửa tiền mã hoá. Hiện tại không chỉ Việt Nam, một số quốc gia cũng đang phụ thuộc vào các công ty phân tích dữ liệu để theo dõi dòng tiền on-chain với chi phí rất cao. Trước thềm Hội nghị toàn thể của FATF vào tháng 6/2023, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký cam kết cấp Chính phủ với FATF về việc thực hiện Kế hoạch hành động gồm 17 hành động do FATF đưa ra cho Việt Nam trong khoảng thời gian nhất định (hoàn thành trước tháng 5/2025). Trong 17 hành động có 2 hành động đảm bảo tính độc lập của FIU và tăng cường chất lượng và số lượng các sản phẩm phân tích và chuyển giao thông tin tình báo tài chính. Cho thấy VN đang cầu thị tiếp nhận các bước tiến mới đối với AML, nhưng vẫn cần đi sâu hơn vào lĩnh vực tiền mã hoá và nắm bắt nhanh những phát triển của thị trường mới nổi này.
Nhằm tăng cường hiệu quả của các hoạt động phòng, chống rửa tiền thông qua tiền mã hóa nói riêng và tài sản số nói chung, Hiệp hội Blockchain Việt Nam khuyến nghị các định chế tài chính cần thực hiện 3 nhiệm vụ: Nhận diện giao dịch tài sản số, xây dựng quy trình và chuẩn bị tốt nhân sự. Một là, về nhận diện giao dịch tài sản số là một loại tài sản mà Bộ Luật dân sự Việt Nam công nhận: Trong khi chưa có các văn bản pháp lý cụ thể về tiền mã hoá thì tài sản này vẫn hoàn toàn có cơ sở được pháp luật công nhận. Các tổ chức tín dụng cần nhận diện và học hỏi cách phân loại tài sản này theo các quy tắc của BIS, Basel và chuẩn mực kế toán quốc tế IFRS. Hai là, các định chế tài chính nên xây dựng các Quy trình và kiểm soát tuân thủ đối với các hoạt động về chống rửa tiền liên quan tới tài sản mã hoá đối với các tài khoản cá nhân. Hiện tại các giao dịch với tài sản mã hoá thực hiện qua P2P có thể căn cứ theo các quy định trong Luật Phòng và chống rửa tiền áp dụng từ 1/3/2023. Ba là, phải chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao trên nguyên tắc hội tụ đầy đủ các lĩnh vực kinh tế, công nghệ và luật. Nguồn nhân lực này không thể chỉ trông chờ vào luật hay cơ quan nhà nước mà cần được chủ động thực thi bởi tầm nhìn chiến lược của các lãnh đạo ngân hàng.
Thông qua hội nghị, Hiệp hội Blockchain Việt Nam cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cam kết thúc đẩy các nguyên tắc quản trị và tuân thủ theo thông lệ quốc tế từ các tiêu chuẩn cao nhất của Basel cũng như quy định của Luật Phòng, chống rửa tiền số 14/2022/QH-15, quy tắc chống rửa tiền AML/CFT của FATF cũng như các tổ chức quốc tế, đồng thời cam kết sẽ hỗ trợ các định chế tài chính nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thúc đẩy hợp tác và phát triển trong các lĩnh vực trên.
Text: Doanh Nhân Thành Thị – Business.Cosmolife.vn | Source: General