Thị trường bất động sản TP. HCM Q2 2023: Vẫn trăn trở khi nào phục hồi
18674 views
02-07-2023
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Business.Cosmolife.vn) Mới đây, Cushman & Wakefield Việt Nam đã có buổi gặp gỡ báo chí truyền thông để báo cáo về toàn cảnh thị trường bất động sản phía Nam trong quý 2 năm 2023. Cùng điểm qua các phân khúc: Đầu tư, Nhà ở, Văn phòng và Bán lẻ, Công nghiệp dưới góc nhìn của Cushman & Wakefield Việt Nam.

Cập nhật Thị trường đầu tư phía Nam Q2 2023: Sự vào cuộc của Chính Phủ

Kể từ giữa năm 2023, trên phần lớn các phương tiện truyền thông là các mẩu tin về thị trường bất động sản nhà ở giảm thanh khoản, với những tác động của siết tín dụng, trái phiếu, lãi suất. Ngoài biến động của kinh tế thế giới, TP. HCM còn đối mặt với những tin tiêu cực của các 'đại án’ trong thị trường bất động sản. Nhìn vào các chỉ sổ kinh tế, cụ thể, trong sáu tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã thu hút khoảng 13,43 tỷ USD, bằng 95,7% so cùng kỳ và tăng 3 điểm phần trăm so với 5 tháng đầu năm. Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản giữ vị trí thứ 3 với tổng vốn đăng ký 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% so với cùng kỳ năm trước (3,15 tỷ USD). GDP 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong giai đoạn 2011 - 2023. Tuy nhiên, thị trường đang xuất hiện nhiều cơ sở mới để tin tưởng rằng dòng vốn đầu tư bất động sản sẽ được cải thiện trong giai đoạn 2024-2026, nhờ một loạt các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng, điều chỉnh chính sách quản lý cho sự phục hồi và phát triển kinh tế xã hội của Chính phủ.

Theo Bộ GTVT, quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ đến 2030 ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư các tuyến cao tốc có năng lực thông hành lớn để hình thành mạng lưới 5.000 km đường cao tốc. Các tín hiệu cơ sở hạ tầng rất tích cực, cụ thể, sự kiện khánh thành cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết với tổng vốn đầu tư 12,5 nghìn tỷ đồng, sự kiện khởi công Vành Đai 3 với tổng vốn đầu tư 75 nghìn tỷ đồng và sự kiện tái khởi động thi công cao tốc Bến Lức – Long Thành (sau 4 năm dừng thi công) với tổng vốn đầu tư 31 nghìn tỷ đồng. Riêng quy hoạch sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ có mức công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, gấp 2,5 lần công suất hiện tại của hang không Singapore.

Chính Phủ cũng đã ban hành những cập nhập thay đổi pháp lý tích cực nhằm gỡ vướng và thúc đẩy cho thị trường bất động sản. Tính đến nay, Bộ Xây dựng, tổ công tác của Thủ tướng đã xử lý, giải quyết 71 văn bản báo cáo khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội và người dân liên quan đến 121 dự án bất động sản trên cả nước. Đồng thời ban hành các Nghị định
số. 35/2023/NĐ-CP, Nghị định số. 10/2023/NĐ-CP, Quyết định số. 1123/2023/QĐ-NHNN, Thông tư số 11/2022/TT-NHNN trong việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, hướng dẫn thi hành Luật đất đai và quy định về lãi suất và bảo lãnh ngân hang. Điều này cho thấy những tín hiệu tích cực cho sự phục hồi của thị trường bất động sản và Việt Nam vẫn là một trong những thị trường tiềm năng để đầu tư trong khu vực.

Thị trường đầu tư nước ngoài vào bất động sản Việt Nam giai đoạn 2022 – 6T 2023 cũng đã thu hút được nhiều sự quan tâm trong bối cảnh nhiều cơ hội giao dịch xuất hiện. Miền bắc Việt Nam là khu vực sôi động của thị trường đầu tư trong giai đoạn này, với tổng giá trị đầu tư đạt 1.1 tỷ USD; Trong khi đó, khu vực miền Nam cũng đón nhận 760 triệu USD. Nhìn cận cảnh vào tỷ trọng vốn đầu tư vào Việt Nam, thị trường vốn tại Việt Nam được tập trung phân bổ cho thị trường nhà ở, tiếp sau là thương mại bao gồm công nghiệp và phi công nghiệp. Trong khi Miền Bắc thu hút các loại hình đầu tư thương mại & công nghiệp. Đặc biệt, các nhà sản xuất công nghiệp lớn đang được khuyến khích đầu tư tại khu vực trong giai đoạn này. Miền Nam trong giai đoạn gần đây đã không thu hút nhiều nhà sản xuất lớn như miền Bắc, nhưng thị trường nhà đầu tư đa dạng, với các loại hình giao dịch bao gồm phát triển dự án mới, giao dịch các dự án đang trong quá trình phát triển, và thu mua các dự án đã hoạt động ổn định. Ngoài các khu kinh tế trọng điểm, các vùng ven và xa vẫn hấp dẫn được các nhà đầu tư.

Bất động sản luôn trải qua qua bốn giai đoạn trước khi hình thành một chu kỳ mới. Các giai đoạn có thể được mô tả như sau: Phục hồi, Tăng trưởng, Sốt nóng, và Suy Thoái. Dường như Việt Nam những tháng qua đang trải qua giai đoạn trầm lắng. Nhưng cũng có thể nói một cách lạc quan rằng thị trường bất động sản đang có sự thanh lọc mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững và lành mạnh hơn. Bà Trang Bùi, Tổng Giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết: “Nhìn lại hành trình 30 phát triển thị trường của Việt Nam, có thể thấy rằng nền tảng kinh tế hiện tại mạnh mẽ hơn nhiều sau khi thị trường trải qua từng thời kỳ suy thoái và khủng hoảng. Số lượng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam gia tăng mạnh mẽ hơn về cả số lượng và quy mô sau từng đợt đóng băng. Bên cạnh đó, số lượng các nhà đầu tư trong nước cũng không ngừng phát triển và mở rộng danh mục đầu tư. Mặc dù chúng tôi dự báo các ngân hàng sẽ tiếp tục thắt chặt tín dụng cho vay nhằm đảm bảo giảm rủi ro về vốn. Tuy nhiên, một môi trường cho vay nghiêm ngặt và thận trọng hơn sẽ tạo được môi trường đầu tư an toàn và lâu dài, hỗ trợ sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Chính vì vậy, chúng tôi tin rằng khi thị trường vượt qua trầm lắng và phục hồi trở lại, sẽ có sự tham gia của nhiều tổ chức đầu tư lớn toàn cầu vào thị trường bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2024 – 2026, đây cũng là thời điểm thị trường được kỳ vọng tăng trưởng”.

Mặc dù đã ghi nhận một số tín hiệu tốt từ cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép cho một số dự án, song bà Trang Bùi nhận định vẫn còn nhiều dự án bị trì hoãn quy trình phê duyệt pháp lý. Để có thêm nhiều hoạt động đầu tư bất động sản diễn ra trên thị trường, Việt Nam sẽ cần đạt mức độ minh bạch cao hơn, quy hoạch đô thị bài bản cũng như khung pháp lý vững vàng hơn nhằm thu hút nhà đầu tư nước ngoài. Khi quá trình xem xét pháp lý được hoàn thành, chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng nguồn cung có thể đáp ứng nhu cầu, thị trường sẽ minh bạch và hiệu quả hơn cho các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Cập nhật Thị trường Nhà Ở TP.HCM Q2 2023: Lượng nguồn cung mở bán mới căn hộ thấp nhất kể từ năm 2019

Thị trường nhà liền thổ bao gồm nhà phố và biệt thự trong dự án, trong khi thị trường căn hộ được phân hạng theo mức giá như sau: Siêu sang (>10,000 USD/m2), Sang trọng (4,500 - 10,000 USD/m2), Cao cấp (3,000 - 4,500 USD/m2), Trung cấp (1,500 - 3,000 USD/m2), Bình dân (<1,500 USD/m2)

Thị Trường Căn Hộ

Trong Q2 2023, TP.HCM chứng kiến nhiều công trình cơ sở hạ tầng đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, các dự án tiêu biểu như dự án cải tạo kênh Tham Lương –  Bến Cát – rạch Nước Lên, nút giao An Phú và việc mở rộng QL50 – đường Nguyễn Văn Linh. Các dự án cơ sở hạ tầng luôn là mấu chốt thúc đẩy cho thị trường nhà ở phát triển trong hàng thập kỷ qua.

Tuy nhiên, theo báo cáo thị trường căn hộ của Cushman & Wakefield Việt Nam, Q2 2023 ghi nhận lượng nguồn cung mở bán mới căn hộ thấp nhất kể từ năm 2019, đạt khoảng 970, giảm 41% so với quý trước và giảm 90% so với cùng kỳ. Nguồn cung mới khan hiếm phần lớn do sự trì trệ trong quá trình hoàn thiện pháp lý và thủ tục triển khai mở bán dự án.

Hầu hết nguồn cung mới trong quý đến từ khu Đông với các đợt mở bán tiếp theo của các dự án hiện tại và phía Bắc với dự án phân khúc trung cấp mới ra mắt, 9X An Sương tại huyện Hóc Môn. Điều này khiến khu bắc và khu đông trở thành tâm điểm giao dịch, nhờ triển vọng phát triển cơ sở hạ tầng tại khu vực và các ưu đãi thanh toán do các chủ đầu tư đưa ra. Có khoảng 1.352 giao dịch mua bán hoàn thành, tăng 4% theo quý. Lượng hấp thụ này tương đương với 30,5% trên tổng rổ hàng sơ cấp tính đến Q2 2023 là 4.440 căn.

Tương tự quý trước, Q2 2023 đón thêm nhiều sản phẩm từ phân khúc thấp hơn (từ trung cấp đến cao cấp) như Elysian Lò Lu, Avatar 9x và Moonlight Avenue, 9X An Sương, v.v. Theo đó, giá sơ cấp trung bình trong Q2 2023 đã giảm 1% so với Q1 2023, đạt xấp xỉ 3.217 USD/m2, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn về tương lai, do quỹ đất trung tâm dần trở nên khan hiếm và đắt đỏ, thị trường có xu hướng phân bổ ra các khu vực ngoài trung tâm, tổng nguồn cung toàn TPHCM từ 2023 trở đi ước tính sẽ đạt 190.000 căn hộ. Khu Đông (TP. Thủ Đức) được kỳ vọng sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường về nguồn cung trong tương lai. Với định hướng trở thành đô thị đa trung tâm vào 2040 cùng với việc hạ tầng công cộng từng bước được nâng cấp đã giúp TP. Thủ Đức trở nên nổi bật hơn so với các khu vực khác.

Thị Trường Nhà Liền Thổ

Còn đối với thị trường nhà liền thổ, báo cáo Cushman & Wakefield Q2 2023 chứng kiến những tín hiệu hồi phục khi lượng nguồn cung mới đang dần được tung ra nhiều hơn, với 282 căn, tăng 403% so với quý trước và tăng 45% so với cùng kỳ. Các dự án đã hoàn thiện các quy trình pháp lý và bắt đầu xây dựng trở lại, đặc biệt là các dự án bị vướng mắc ở quý trước. Tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường trong quý tập trung chủ yếu ở các giai đoạn mới trong các siêu dự án tại TP. Thủ Đức, đạt 839 căn.

Q2 2023 cũng ghi nhận lượng tiêu thụ nhà liền thổ đạt 375 căn, tăng 792% so với Q1 2023 và tang 71% so với cùng kỳ năm trước. Sự gia tăng trong lượng bán mới Q2 2023 là nhờ vào các chính sách hỗ trợ người mua từ các chủ đầu tư. Đồng thời, các ngân hàng cũng đã giảm lãi suất trong thời gian gần đây. Giá sơ cấp trung bình đã tăng 12% theo quý và tang 43% theo năm, đạt 13.546 USD/m2, nhờ sự mở bán các phân đoạn mới từ các dự án ở TP. Thủ Đức (Khu vực phía Đông HCM) – và là yếu tố chính gây tăng giá trong quý. Theo quan sát của chúng tôi, giá sơ cấp trung bình nhà liền thổ tại khu Đông hiện đang cao hơn trung bình toàn TP. HCM 12% và cao hơn trung bình khu vực phía Bắc 139% (phía Bắc có lượng nguồn cung sơ cấp lớn thứ 2 thị trường TP. HCM, bao gồm Quận 12 và Quận Tân Phú).

Nguồn cung tương lai được dự đoán sẽ có thêm 7.900 căn từ năm 2023 trở đi. Phía Đông TP. HCM tiếp tục được kỳ vọng sẽ dẫn đầu do quỹ đất sẵn có và nhu cầu đô thị hóa cao của TP. Thủ Đức. Thành phố cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng tỷ lệ đô thị hóa tại các khu vực ngoại ô như Nhà Bè hoặc khu vực xa hơn. Trong tương lai, TP.HCM sẽ có nhiều dự án với số lượng trung bình khoảng 200 căn mỗi dự án; và đồng thời tiếp tục các giai đoạn đoạn tiếp theo của các dự án lớn hiện hữu.

Nhà Ở Xã Hội

Theo báo cáo Nhà ở xã hội: Nhà cho mọi người của Cushman & Wakefield, giá nhà ở tại Việt Nam hiện cao hơn khoảng 20 lần so với thu nhập bình quân đầu người hàng năm, khiến người Việt Nam ngày càng khó sở hữu nhà ở. Thực trạng này đặt ra yêu cầu phải có các giải pháp tái cân bằng, cụ thể là phát triển nhà ở xã hội như một công cụ bảo đảm an sinh xã hội và thúc đẩy tính bền vững của thị trường bất động sản.

Tính đến Q1 2023, Việt Nam đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội tại đô thị và dự án nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp, với tổng quy mô gần 156.000 căn. Khoảng 401 dự án chuẩn bị được xây dựng, với tổng quy mô khoảng 454.000 căn. Tuy nhiên, nguồn cung đối với loại hình nhà ở này vẫn chưa được đáp ứng đầy đủ so với nhu cầu.

Tính riêng năm 2023, thị trường Hà Nội dự kiến sẽ chào đón 6,117 căn nhà ở xã hội tại 11 dự án. Trong khi đó, TP.HCM cũng dự kiến xây dựng thêm 3,800 căn tại 6 dự án, theo số liệu từ đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất một triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Nỗ lực của chính phủ trong việc thúc đẩy nhà ở giá rẻ là rất đáng khen ngợi, mặc dù quỹ đất sẵn có, kết nối cơ sở hạ tầng, chính sách tốt hơn cho cả người mua và chủ đầu tư, và cơ cấu tài chính là cần thiết để tạo lực đẩy cần thiết cho lĩnh vực này và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển nhà ở xã hội nhằm cung cấp thành công nhà ở cho tất cả mọi người trong thập kỷ tới.

Một Số Tiêu Điểm Pháp Lý Có Tác Động Đến Thị Trường Nhà Ở Trong Năm 2023

  1. Nghị Định Số. 35/2023/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng)
  2. Nghị Định Số. 10/2023/NĐ-CP (Sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai)
  3. Quyết Định Số. 1123/2023/QĐ-NHNN (Về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hang và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của ngân hàng nhà nước Việt Nam đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hang nước ngoài)
  4. Thông Tư Số. 11/2022/TT-NHNN (Quy định về bảo lãnh ngân hàng)

Cập nhật thị trường văn phòng và bán lẻ TP. HCM Q2 2023: Làn sóng trả văn phòng vẫn tiếp diễn, bán lẻ không có nguồn cung mới

Thị trường văn phòng được nghiên cứu bao gồm 18 tòa nhà Hạng A và 59 tòa nhà Hạng B tại TP. HCM. Đối với dữ liệu của thị trường bán lẻ bao gồm các dự án trung tâm thương mại, khối đế bán lẻ, bách hóa tổng hợp nhưng không bao gồm nhà phố thương mại và nhà phố mặt tiền tại TP. HCM.

Thị Trường Văn Phòng

Trong Q1 2023, theo Tổng cục Thống kê, có 64% doanh nghiệp đánh giá tình hình kinh doanh trong Q2 tốt hơn hoặc ổn định so với Q1, và 73% doanh nghiệp dự kiến triển vọng kinh doanh trong Q3 sẽ tốt hơn hoặc ổn định so với Q2. Theo Báo cáo Kết quả khảo sát tình hình 10.000 doanh nghiệp trong nước do Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) công bố cuối tháng 5, có 82.3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh, hoặc ngừng kinh doanh trong năm 2023. Trong số doanh nghiệp còn trụ lại thị trường, 71.2% dự kiến giảm hơn 5% quy mô lao động, và 80.7% dự kiến giảm doanh thu hơn 5%. Khó khăn chủ yếu do giảm lượng đơn hàng, khó tiếp cận vốn vay, thủ tục và yêu cầu pháp lý và nguy cơ hình sự hóa các giao dịch quốc tế.

Theo báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam, trong Q2 2023, tòa nhà Waterfront Tower tại Quận 1 chính thức được chào thuê ra thị trường, góp thêm gần 6.000 m2 sàn văn phòng tại TP. HCM. Trong khi đó, xu hướng trả mặt bằng đang vẫn đang tiếp diễn. Theo ghi nhận từ các giao dịch lớn trên thị trường trong sáu tháng đầu năm 2023, 90% diện tích văn phòng được hoàn trả đến từ các ngành bất động sản, công nghệ, và ngân hàng. Cũng trong quý 2 năm 2023, lượng hấp thụ thuần ước tính ở mức âm 4.500 m2. Trong đó, hơn 70% giao dịch lớn liên quan đến trả mặt bằng hoặc di dời văn phòng thuộc khu vực trung tâm, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp nhất cũng như có giá thuê cao nhất, và là thị trường chịu ảnh hưởng nhất từ xu hướng này.

Trong khi đó, khu vực cận trung tâm ghi nhận nhiều hoạt động di dời nhờ vào khung giá thấp hơn nhưng vẫn dễ dàng tiếp cận khu trung tâm. Trong khi tỷ lệ lấp đầy văn phòng hạng A tương đối ổn định, tòa nhà Hạng B có mức giảm nhẹ 0,9đpt theo quý. Cushman & Wakefield Việt Nam ghi nhận tiến độ hấp thụ của các nguồn cung mới ra mắt gần đây vẫn còn khá chậm.

Mặc dù cán cân thị trường có xu hướng nghiêng về khách thuê, nhưng doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với các vấn đề khó khăn tài chính và ngày càng chú trọng tới chi phí. Tâm lý này kéo dài từ khoảng nửa cuối năm 2022 đã tạo ra xu hướng cắt giảm quy mô, di dời sang mặt bằng có giá rẻ hơn, hay trả lại mặt bằng hoàn toàn của các doanh nghiệp. Thêm vào đó, trường hợp doanh nghiệp có tài chính tốt cũng ưu tiên phương án gia hạn mặt bằng văn phòng hiện tại nhằm tiết kiệm chi phí và thời gian thiết lập văn phòng mới.

Triển vọng nguồn cung trong năm nay, dự kiến vào giữa năm sẽ có ​​thêm hai dự án đi vào hoạt động tại khu vực Thủ Thiêm là The Hallmark và The Mett, đóng góp thêm gần 85.000m2 diện tích văn phòng mới cho thị trường. Tại khu vực trung tâm, dự án The Nexus tại Quận 1 đang hoàn thiện mặt tiền cho cả hai tòa tháp và cũng dự kiến ​​hoàn thành vào cuối năm nay. Tòa nhà D.’ Saint Raffles tại Quận 1 cũng đang tiếp tục tiến độ xây dựng. Hai dự án khác là e.Town 6 và UOA Tower II đều nằm ở những khu vực rìa trung tâm được dự kiến ​​sẽ lần lượt đi vào hoạt động đầu năm 2024 và năm 2026.

Tính kết nối cao với các quận trọng điểm liền kề (Quận 1, Bình Thạnh; dự kiến: Quận 4, Quận 7), cũng như giữa các phân khu của bán đảo thông qua cầu, đường bộ, đường thủy, đường sắt và tàu điện. Trong khi đó, thương mại và văn phòng chiếm 44% tổng lượng diện tích sàn được quy hoạch của khu vực. Điều này sẽ giúp Thủ Thiêm có ít nhất 1 triệu m2 diện tích văn phòng tính đến năm 2050 một khi tất cả các dự án được hoàn thành. Nguồn cung mới tại Thủ Thiêm được kỳ vọng sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn (như tính xanh và tính bền vững; công nghệ cao; vị nhân sinh).

Một số dự án văn phòng tiêu biểu tại Thủ Thiêm: The Hallmark (54.500 m2), The Mett (30.322 m2), Empire City (86.400 m2), Lotte Eco Smart (188.500 m2)

Thị Trường Bán Lẻ

Đối với thị trường bán lẻ tại TP. HCM, Q2 2023 tiếp tục không có nguồn cung mới. Tỷ lệ lấp đầy tiếp tục ổn định so với quý trước nhưng vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này đến từ xu hướng cải tạo mặt bằng, cùng với tỷ lệ trống cao ở một số dự án xa khu dân cư hoặc chưa được quản lý tốt. Trong tháng 4, thị trường đồng thời chứng kiến sự kiện nhà bán lẻ Parkson nộp đơn xin phá sản và chính thức rút khỏi Việt Nam.

Mặc dù vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam trong Q2 vẫn chứng tỏ đươc sức hấp dẫn với các nhà đầu tư ngoại. Điển hình, cửa hàng Maison de Bijoux đầu tiên khai trương vào tháng 4 trên đường Thi Sách, Quận 1. Cửa hàng Watches of Switzerland cũng mở cửa tại TTTM Thiso Mall, TP. Thủ Đức, trong tháng 5. Thương hiệu đồng hồ xa xỉ Hublot khai trương hai cửa hàng trong tháng 6 tại Union Square (TP.HCM) và Tràng Tiền Plaza (Hà Nội). Nhãn hàng thời trang nữ của Tory Burch cũng chính thức có mặt tại Union Square, Quận 1 trong tháng 5.

Không chỉ là nhà bán lẻ thời trang, các nhãn hàng ăn uống, nghỉ dưỡng cũng chạy đua đa dạng hóa trải nghiệm và hướng đến nhóm khách hàng chi tiêu cao. Cửa hàng Pizza Hut ra mắt hai cửa hàng mới thuộc dòng Pizza Hut Signature tại AEON Mall Bình Tân and AEON Mall Tân Phú vào tháng 6. WinCommerce vừa cho ra mắt nhiều mô hình kinh doanh mới, tiêu biểu là Winmart Premium, Quận 7, và Winmart Experience store in tại Hà Nội. Thương hiệu M Village khai trương hai khách sạn mới thuộc dòng Signature by M Village tại Quận 1. Thương hiệu mỹ phẩm LUSH cũng mở cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam khai trương ở Vincom Đồng Khởi.

Các chủ nhà bán lẻ đều rất chú trọng việc thiết kế không gian vị nhân sinh và tích hợp công nghệ vào vận hành. Các không gian chưa cho thuê được trang bị thêm một số tiện nghi nhằm nâng cao trải nghiệm và sự thoải mái của khách hàng như ghế ngồi nghỉ chân, khu vui chơi trẻ em.  Việc tích hợp công nghệ đang dần được phổ biến nhằm cải thiện hiệu suất vận hành và nâng cao trải nghiệm khách hàng như hệ thống tủ giữ đồ như mã QR ở AEON Mall và tủ đồ nhận diện khuôn mặt FaceID ở Thiso Mall.

Triển vọng trong năm 2023 sẽ có hai dự án được kì vọng gia nhập thị trường, Hùng Vương Plaza, Quận 5) và Park Hills Palace, Quận Gò Vấp. Ngoài ra, một số dự án khác như Emart 2 Phan Huy Ích và Vincom Megamall Grand Park cũng dự kiến chào sân vào cuối 2023 - 2024.

Cập nhật thị trường BĐS công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm phía nam Việt Nam Q2 2023: Không có khu công nghiệp mới

Khu vực trọng điểm phía nam được nghiên cứu bao gồm các tỉnh, thành phố: TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu.

Thị Trường Đất Khu Công Nghiệp

Trong Q2 2023, theo Cushman & Wakefield ghi nhận quy trình đền bù và thủ tục pháp lý trì trệ dẫn đến không có khu công nghiệp mới nào được ghi nhận. Tổng nguồn cung ổn định với 28.000 ha diện tích đất cho thuê, tăng 1% so với cùng kỳ. Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu chững lại nhưng thị trường vẫn ghi nhận nhiều nhu cầu đối với đất khu công nghiệp ở phía Nam, với lượng hấp thụ thuần hơn 70 ha, các dự án đầu tư mới và tăng vốn như thương vụ thuê đất đến từ tập đoàn nước giải khát đa quốc gia ở Long An và tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng tại Bình Dương. Những thương vụ này giúp cho tỷ lệ lấp đầy giữ mức ổn định ở 81%. Giá chào thuê sơ cấp của đất khu công nghiệp khu vực phía nam được ghi nhận 165 USD/m2 đất/thời hạn thuê, tăng 2,5% theo quý và tang 10% theo năm, do nguồn cung đất khu công nghiệp có sẵn còn hạn chế, đồng thời chi phí đầu tư và đền bù tăng.

Theo Cushman & Wakefield, sẽ không có nguồn cung khu công nghiệp mới nào được ghi nhận trong nửa cuối năm 2023, nhưng năm 2024 sẽ đón thêm khoảng 1.800 ha diện tích đất công nghiệp mới, tập trung ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Nguồn cung đất công nghiệp trong tương lai sẽ tăng đáng kể, ước tính 2026 sẽ có thêm 5.254 ha, sau khi chính quyền các địa phương hoàn tất việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể và định hướng phát triển của tỉnh.

Thị Trường Nhà Xưởng Xây Sẵn

Trong Q2 2023, Phân khúc nhà xưởng xây sẵn đón nhận nguồn cung mới khoảng 45.000 m2 từ hai dự án tại tỉnh Đồng Nai và Long An, chủ yếu bởi các chủ đầu tư trong nước, nâng tổng nguồn cung toàn thị trường lên 5.060.000 m2, tang 3,3% theo quý và 5,5% theo năm. Nhu cầu đối với nhà xưởng xây sẵn chủ yếu đến từ doanh nghiệp công nghệ cao và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số giao dịch cho thuê đã diễn ra ở các tỉnh, thành phố như TP.HCM, Đồng Nai và Long An, hấp thụ 54.000 m2. Trong đó, giao dịch nhà xưởng tại TP.HCM và Đồng Nai trong thời gian qua chủ yếu đến từ loại hình nhà xưởng cao tầng với lượng hấp thụ khá tốt. Tỷ lệ lấp đầy ghi nhận giảm 2 điểm phần trăm theo quý, và giảm 10 điểm phần trăm theo năm, đạt 76%. Giá thuê duy trì ổn định với mức 4,6 USD/m2/tháng, giảm nhẹ 0,7% so với cùng kỳ do sự xuất hiện của một vài dự án nhà xưởng quy mô lớn và nhà xưởng cao tầng. Giai đoạn năm 2023 đến 2026, thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm 2.200.000 m2, với mức tăng trường hang năm đạt 10.8%. Một số dự án nổi bật như KCN Việt Nam Phú An Thạnh – giai đoạn 2, Long Hậu 3A giai đoạn tiếp theo, và GT Industrial II.

Thị Trường Nhà Kho Xây Sẵn

Còn đối với nhà kho xây sẵn, thị trường được duy trì chủ yếu bởi nhu cầu trong nước, trong khi nhu cầu từ các ngành sản xuất và xuất khẩu chững lại. Nhu cầu đối với loại hình nhà kho được duy trì chủ yếu bởi khu vực nội địa (ngành bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ hậu cần phục vụ thị trường nội địa). Tuy nhiên, nhu cầu từ lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu đã giảm đáng kể. Điều này dẫn đến mức hấp thụ thuần chỉ đạt 6.400 m2 và tỷ lệ lấp đầy đạt 73%, ổn định theo quý nhưng giảm 4 điểm phần trăm theo năm. Trong khi đó, chúng tôi ghi nhận gần 46.000 m2 nguồn cung mới đến từ một dự án hạng A tại TP.HCM là Emergent Lê Minh Xuân 3, nâng tổng nguồn cung toàn thị trường lên 5.130.000 m2, tăng 11.4% so với cùng kỳ. Giá thuê trung bình nhà kho xây sẵn đạt 4.4 USD/m2/tháng, tăng nhẹ 0,5% theo quý và 3,6% theo năm nhờ giá thuê ổn định tại các dự án hiện hữu và giá thuê từ nguồn cung mới chất lượng cao trong thời gian gần đây. Dự kiến đến năm 2026, thị trường sẽ có thêm 1.300.000 m2 nhà kho, với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 5.1%. Khi thị trường trở nên cạnh tranh hơn với nguồn cung kho xưởng xây sẵn dồi dào, các chủ đầu tư có thể phải đưa ra các chính sách và ưu đãi thuê hấp dẫn hơn để thu hút khách thuê. Các dự án nổi bật như ICD Long Bình hay Cainiao Giang Điền.

Text: Doanh Nhân Thành Thị - Business.Cosmolife.vn | Source: Cushman & Wakefield Việt Nam

RELATED NEWS

Hà Nội và TP.HCM thuộc nhóm thành phố có chi phí thi công văn phòng rẻ nhất châu Á - Thái Bình Dương

14120 views
24-03-2025
Thông tin từ Cushman & Wakefield cho hay, chi phí trung bình để thi công một văn phòng mới tại Hà Nội và TP.HCM lần lượt là khoảng 17,2 triệu đồng/m2 và 16,7 triệu đồng/m2.

Gamuda Land vinh danh các sàn môi giới bất động sản đồng hành cùng Celadon City

14622 views
21-03-2025
Nhà phát triển Bất động sản thành danh trên thị trường Quốc Tế Gamuda Land vừa chính thức tổ chức Lễ vinh danh các sàn môi giới bất động sản đã đồng hành cùng Celadon City tại thị trường phía Tây thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) vào ngày 20/3. Với thông điệp “Speed to lead - dẫn đầu cuộc chơi, chinh phục ngôi vô địch” hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội tốt cho nhiều gia đình sở hữu căn hộ cao cấp.

Căn hộ mẫu Orchard Heights đậm chất phiêu lưu với 9 chủ đề tiện ích

14499 views
21-03-2025
Sự kiện ra mắt căn hộ mẫu Orchard Heights thuộc tổng dự án Sycamore thu hút sự chú ý lớn tại thị trường Bình Dương – nơi hiện đang được xem là tâm điểm tăng trưởng đột phá tại thị trường bất động sản phía Nam.

Thuế quan và sự tác động đến Châu Á Thái Bình Dương

15535 views
13-03-2025
Trong Báo cáo thuế quan & tác động đến Châu Á Thái Bình Dương mới nhất của Cushman & Wakefield, các chuyên gia đã có những nhận định ban đầu về tác động kinh tế của thuế quan đối với khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và dự báo các kịch bản có thể xảy ra trong thời gian tới.

Thị trường trung tâm dữ liệu Châu Á Thái Bình Dương cần hơn 100 tỷ USD vốn đầu tư trong 5 năm tới

15790 views
28-02-2025
Theo tính toán của Cushman & Wakefield, khu vực Châu Á Thái Bình Dương cần thu hút khoảng 116 tỷ USD vốn đầu tư để hoàn thành các dự án trung tâm dữ liệu đang xây dựng hoặc lên kế hoạch trong vòng năm đến bảy năm tới, khi nhu cầu cho lĩnh vực này ngày càng tăng.