Bất động sản năm nay nghỉ Tết Nguyên đán 2023 từ khá sớm
6683 views
27-12-2022
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Business.Cosmolife.vn) Cung ít cầu hiếm, chưa năm nào thời điểm cận tết, thị trường bất động sản lại rơi vào tình trạng ế ẩm, ảm đạm như hiện nay.

Người mua nhà khó vay vốn

Anh Đình Xuân đặt cọc mua một căn hộ ở Q.1 (TP.HCM) với giá khoảng 4 tỉ đồng. Trong đó, anh đã đóng 1,2 tỉ đồng, số tiền còn lại phải vay vốn ngân hàng. Thế nhưng, ngân hàng chỉ cho vay thời hạn một năm. Với thời hạn này, khả năng tài chính của anh Xuân không thể đáp ứng nổi. Sau nhiều lần làm việc, rồi cũng “nhờ vả” các mối quan hệ tác động, nhà băng này mới đồng ý kéo dài thời hạn vay lên 10 năm nhưng lãi suất thì lên tới 15% và anh còn phải mua gói bảo hiểm trị giá 40 triệu đồng.

“Do đã đóng một khoản tiền rồi nên buộc tôi phải tiếp tục hợp đồng, vì nếu thanh lý sẽ mất khoản tiền đó. LS như vậy là quá cao, nói thực là vào thế đã rồi nên phải tiếp tục chứ thời buổi khó khăn thế này, không ai gánh nổi mức lãi suất đó”, anh Xuân than.

Chị Thảo Thương, mua căn hộ tại dự án ở tỉnh Bình Dương, lại không được may mắn như anh Đình Xuân khi không vay được tiền từ ngân hàng để có thể tiếp tục hợp đồng như chủ đầu tư đã hứa. Chị kể tháng 7.2022, chị có ký văn bản thỏa thuận mua một căn hộ của C.City ở tỉnh Bình Dương, giá hơn 2,6 tỉ đồng với yêu cầu thanh toán 10% và chủ đầu tư cam kết 80% số tiền mua căn hộ sẽ được NH cho vay, chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất cho đến khi dự án hoàn thiện. Thế nhưng giờ ngân hàng không cho vay khiến chị Thảo Thương rơi vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.

“Khi mua chỉ có văn bản thỏa thuận, chưa có hợp đồng mua bán. Vì nhân viên kinh doanh nói chưa xin được giấy phép để hoàn thiện, hẹn khoảng tháng 11 xong sẽ ký hợp đồng với khách hàng. Nhưng đến nay vẫn không thấy động tĩnh gì. Trong khi đó chủ đầu tư vẫn gửi email thu tiền đợt ba, bốn nhưng tôi không đóng, từ đầu tôi chỉ có số tiền đối ứng 20%, phần còn lại dự định vay NH. Nhưng nếu không hỗ trợ vay được thì tôi muốn thanh lý, lấy lại tiền đã đóng chứ không đủ khả năng theo tiếp”, chị Thảo Thương cho hay.

Lãnh đạo một công ty bất động sản tại TP.HCM thừa nhận đa số khách hàng mua bất động sản đều khó vay được vốn từ ngân hàng. Nếu may mắn được vay thì hiện nay lãi vay trung bình từ 12 - 14%/năm, ưu đãi cũng lên đến 11,5%/năm. Không chỉ lãi suất cao, các điều kiện vay, chứng minh thu nhập, phương án vay cũng khó khăn hơn rất nhiều, nhất là những dự án mới. Những dự án tốt, đủ điều kiện cho khách hàng vay thì đến nay ngân hàng cũng mới đi thẩm định hồ sơ, để đầu năm 2023 mới bắt đầu giải ngân. Đây là nguyên nhân khiến giao dịch trên thị trường bất động sản “đứng hình” thời gian qua.

Gần 1 quý bán được khoảng 100 căn hộ

Có dự án đang mở bán ở TP.Thủ Đức (TP.HCM), lãnh đạo doanh nghiệp nói trên thở dài thông tin hơn hai tháng nay, càng về cuối năm giao dịch càng ảm đạm. Dự án của công ty bà không bán được một căn hộ nào dù đã xây dựng đến tầng hai, cộng với việc cam kết sẽ liên kết với ngân hàng cho khách hàng được vay vốn mua nhà, chủ đầu tư hỗ trợ lãi suất vay trong vòng 18 tháng.

“Sản phẩm thật, giá trị thật mà bán không được. Hai tháng nay không bán được một căn nào dù nhân viên tích cực phát tờ rơi, điện thoại đến khách... Khách hỏi cho vui rồi thôi. Nên giờ có chạy quảng cáo hay làm mọi thứ cũng không bán được gì. Kế hoạch là để qua năm tính tiếp, bởi hiện nay doanh nghiệp cũng lực bất tòng tâm”, vị này chán nản nói.

Thực trạng này phù hợp với thống kê mà ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của batdongsan.com.vn, công bố trong quý 1 và quý 2/2022 TP.HCM có gần 14.000 căn hộ mới chào bán, tỷ lệ tiêu thụ luôn đạt con số 70 - 80% thì bước sang quý 3/2022, chỉ có khoảng 1.250 căn, tỷ lệ tiêu thụ chưa đến 52%. Đến quý 4, toàn thị trường có 450 căn hộ sơ cấp mở bán nhưng lượng tiêu thụ mới đạt gần 25%, tương đương khoảng 100 căn.

Đây là tình trạng chưa từng xuất hiện trong năm năm trở lại đây, nhất là vào giai đoạn cận tết, thời gian đỉnh điểm giao dịch bất động sản sôi động nhất trong năm. Chưa kể để kích cầu, nhiều doanh nghiệp đã nâng mức chiết khấu đến 40 - 50% giá trị bất động sản. Trên thị trường thứ cấp cũng xuất hiện nhiều giao dịch cắt lỗ, giảm giá mạnh đến từ nhóm những người, những tổ chức sử dụng đòn bẩy tài chính quá đà, phải thanh lý bớt bất động sản để cơ cấu dòng vốn, giảm áp lực do lãi suất cho vay leo thang.

Không chỉ TP.HCM, thị trường bất động sản khu vực các tỉnh vùng ven càng thê thảm hơn khi khách chỉ đi xem rồi về, không xuống tiền. Bà Lê Thị Thanh Yến, Giám đốc Công ty địa ốc BLH, đang mở bán 30 lô đất nền tại H.Bảo Lâm (Lâm Đồng), cho biết gần ba tháng nay chỉ bán được một lô, với điều kiện kéo dài thời gian thanh toán thay vì công chứng ngay như trước đây vì đất đã có sổ đỏ “cầm tay”. “Khách lên xem vẫn khá nhiều, mỗi tuần khoảng 20 người. Họ cũng tỏ ra rất thích vì đã có sổ đỏ từng lô, hạ tầng hoàn chỉnh. Tuy nhiên tất cả đều dừng ở đó. Theo phản hồi từ một số người thì họ không vay được ngân hàng, một số sẵn tiền mặt thì vẫn có tâm lý chờ, dù chúng tôi đã giảm giá rất mạnh”, bà Yến cho biết.

Không chỉ công ty của bà Yến, hiện hầu hết các công ty bất động sản đang bán đất ở khu vực Lâm Đồng đều rơi vào tình cảnh tương tự: khách quan tâm nhưng không ai dám mua. Tại Đồng Nai, Long An..., các công ty bất động sản đều rơi vào tình trạng không có giao dịch nhiều tháng nay. Đa số khách đi xem đất rồi về. Điều này dẫn đến việc các sàn môi giới đóng cửa hàng loạt, các chủ đầu tư thì hoạt động cầm chừng, chủ đầu tư đã cho nhân viên kinh doanh nghỉ tết từ cách đây một tháng.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM, ngày 5/12, ngân hàng Nhà nước đã quyết định nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% để có thêm khoảng 240.000 tỉ đồng cộng với khoảng 200.000 tỉ đồng còn lại của room tín dụng 14% (cũ) bơm vào nền kinh tế. Nhưng đến nay chỉ còn gần chục ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó tiếp cận vốn từ ngân hàng vì các chuẩn tín dụng hiện nay rất khó để người có nhu cầu vay đáp ứng.

Edit: Doanh Nhân Thành Thị - Business.Cosmolife.vn | Source: Thanh Niên
RELATED NEWS

4 phương pháp định giá đất theo Nghị định mới của Chính phủ

20104 views
11-02-2024
Theo Nghị định 12/2024/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 5/2/204 có nhiều nội dung mới trong lĩnh vực đất đai, trong đó có 4 phương pháp định giá đất.

Gamuda Land, Khải Thịnh bán nhà khi chưa đủ điều kiện

19174 views
05-05-2023
Công ty CP Gamuda Land và Công ty CP Bất động sản Khải Thịnh bị UBND TP.HCM xử phạt về hành vi kinh doanh bất động sản không bảo đảm đầy đủ điều kiện theo quy định.

Novaland cơ cấu nợ bằng cách... tăng nợ?

14444 views
04-04-2023
Phát hành và chào bán cổ phiếu để tái cơ cấu nợ đang được Novaland coi là giải pháp khả thi nhất hiện nay nhằm giải quyết tình trạng khủng hoảng tài chính. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư phải đặt câu hỏi rằng "Liệu đây có phải là phương châm kinh doanh của Novaland: Lãi chia nhau, nợ đi vay tiếp?".

Doanh nghiệp bất động sản cần phải chấp nhận tự thanh lọc

13411 views
20-02-2023
Thiếu vốn, ách tắc pháp lý, mất thanh khoản…, rất nhiều khó khăn đang bủa vây các doanh nghiệp bất động sản. Các chuyên gia nhận định thị trường sẽ có sự thay đổi lớn.

Thị trường bất động sản hiện nay tiến thoái lưỡng nan khi bán không được, ôm cũng chết

13904 views
06-02-2023
Trước tình trạng giao dịch trên thị trường gần như đóng băng, nhiều chủ đầu tư không dám mở bán dự án vì sợ… ế.