(Doanh Nhân Thành Thị – Business.Cosmolife.vn) Chiều ngày 14/4, tại TP.HCM, Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) tổ chức Hội nghị đối thoại với chủ đề: “Một số vấn đề cần lưu ý theo Luật Doanh nghiệp năm 2020, góc nhìn kiểm soát rủi ro”.
Tham dự Hội nghị có bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý Bộ Tư pháp; ông Hoàng Minh Chiến - Giảng viên chính, Trường ĐH Luật Hà Nội; bà Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ; Giáo sư, Tiến sỹ danh dự Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Hội truyền thông số và Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam; Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cùng hơn 100 đại biểu, các chuyên gia, các tổ chức đại diện doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn TP. HCM.
Doanh nghiệp gặp khó khăn vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết về các quy định pháp luật
Phát biểu tại hội nghị, bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL (Bộ Tư pháp) cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Việt Nam với 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó 62% là doanh nghiệp siêu nhỏ, nhưng đã đóng góp rất lớn cho sự tăng trưởng kinh tế (50% GDP), thu hút và tạo công ăn việc làm cho hơn 40 triệu lao động. Qua đó thấy được vai trò to lớn của hệ thống các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam, đang hàng ngày đóng góp vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp phải nhiều khó khăn, đặc biệt là thiếu thông tin, thiếu sự hiểu biết về các quy định pháp luật. Với quy mô chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do vậy khó có thể có một bộ phận pháp chế chuyên trách, luật sư… để tư vấn riêng cho doanh nghiệp của mình.
Bà Hoa cho biết, Hội nghị là một trong chuỗi các hoạt động của Cục PBGDPL & TGPL, Bộ Tư pháp - tổ chức theo kế hoạch triển khai công tác HTPLDN năm 2025 nhằm thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Nghị định 55/2019/NĐ-CP; thực hiện Chương trình hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp theo Quyết định 81/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025; trong đó, có đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý.
Việc tổ chức các Hội nghị đối thoại này cũng là diễn đàn thu nhận các ý kiến DN, từ đó có báo cáo đề xuất với các cơ quan chức năng liên quan trong nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật; là giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về HTPLDN; bên cạnh đó là chất liệu quan trọng để Cục PBGDPL&TGPL (Bộ Tư pháp) phối hợp với các bộ ngành địa phương có giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách thiết thực nhất.
Cùng quan điểm trên, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, trong hệ thống doanh nghiệp hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ trọng rất lớn và có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, chính những doanh nghiệp này lại đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận vốn, tiếp cận đất đai và đặc biệt là tiếp cận pháp luật.
Do vậy, cần phải có một giải pháp thực sự căn cơ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Không thể chỉ nói suông mà cần một cơ chế rõ ràng, có nguồn lực, có con người, và đặc biệt là có một đầu mối mạnh như Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật và Trợ giúp pháp lý, để doanh nghiệp biết bám vào đâu, kêu ai khi vướng mắc.
Bà Ngô Quỳnh Hoa - Phó Cục trưởng Cục PBGDPL&TGPL (Bộ Tư pháp)
Ông Châu đưa ra một số kiến nghị: Cần xử lý dứt điểm các dự án đang bị treo, bởi đó là nguồn lực rất lớn của đất nước đang bị lãng phí; Cần rà soát, sửa đổi các quy định về thời điểm tính thời hạn sử dụng đất cho phù hợp với thực tế triển khai dự án, chứ không thể tính từ ngày giao đất mà chưa được thực hiện gì, để rồi sau 3 năm bị xem là vi phạm;
Theo ông Châu, chúng ta đang thiếu quỹ đầu tư nội địa mạnh mẽ. Hiện chỉ có một quỹ đầu tư nội là Techcombank Capital. Các quỹ đầu tư ngoại thì e dè vì thiếu khung pháp lý minh bạch. Đây là vấn đề lớn, cản trở dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản;
Ông đề nghị cần hoàn thiện thể chế pháp lý cho các mô hình bất động sản mới, để đảm bảo tính ổn định và an toàn cho nhà đầu tư, và cũng là để giữ niềm tin thị trường; Quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản hợp pháp của doanh nghiệp cần được bảo vệ triệt để.
Là Báo cáo viên tại hội nghị, ông Hoàng Minh Chiến - Giảng viên chính, Trường ĐH Luật Hà Nội nhấn mạnh: Nhận diện các loại hình doanh nghiệp; Đổi mới quản lý ngành, nghề kinh doanh; Đại diện theo pháp luật doanh nghiệp; kiểm soát giao dịch giá trị lớn, giao dịch dể phát sinh tư lợi…, là 04 nội dung chính mà hội nghị cần lưu ý theo Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Trong đó, đổi mới quản lý ngành, nghề kinh doanh thì cần quán triệt nguyên tắc cá nhân, tổ chức được làm những gì luật không cấm; cơ quan nhà nước, công chức, viên chức được làm những gì pháp luật có quy định. Bên cạnh đó, ngành nghề kinh doanh “của dân, do dân sáng tạo” không phải xin phép, trừ ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Về đổi mới ngành, nghề kinh doanh thì cần chú trọng đổi mới nội dung đăng ký doanh nghiệp, gồm: Nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp; và Đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh
ThS Hoàng Minh Chiến - Giảng viên chính, Trường ĐH Luật Hà Nội
Hiểu đúng quy định pháp luật để xác định chính xác quy định phải áp dụng
Trình bày tại hội nghị, bà Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ đã nhấn mạnh tới thực trạng hệ thống pháp luật Việt Nam hiện có quá nhiều văn bản pháp luật đang trong quá trình rà soát, sàng lọc; Chưa phân định rõ nội dung văn bản theo thẩm quyền do Luật còn quy định chung chung, khó xác định; Khó áp dụng pháp luật vì nhiều quy định về cùng một vấn đề; và Hệ thống thông tin về pháp luật chưa đầy đủ, khó tra cứu.
Cũng theo bà Phạm Thúy Hạnh, Luật Ban hànhVBQPPL năm 2025 đã sửa theo hướng rút ngắn quy trình xây dựng, ban hành văn bản; luật ngắn hơn, chỉ quy định nguyên tắc và giao quyền cho Chính phủ quyết định các chính sách cụ thể. Hệ thống văn bản pháp luật đơn giản hơn, giảm số lượng văn bản, khắc phục sự trùng lặp, chồng chéo giữa các văn bản. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống thông tin về pháp luật để tra cứu, áp dụng thuận tiện hơn.
ThS Phạm Thúy Hạnh - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ
Về kinh nghiệm khi áp dụng pháp luật, bà Phạm Thúy Hạnh cho rằng: Trong hoạt động chuyên môn, cần hiểu đúng quy định pháp luật để xác định chính xác quy định phải áp dụng, nắm chắc nguyên tắc áp dụng pháp luật, xác định đúng thẩm quyền, đối tượng điều chỉnh, hiệu lực, xác định chính xác hành vi, thu thập đầy đủ hồ sơ, bằng chứng. Trong hoạt động quản lý, phải đảm bảo đúng quy định chung và quy trình xử lý của cơ quan, đơn vị, bảo đảm khách quan, phối hợp tốt. Về hạn chế rủi ro, xẩy ra tranh chấp, lừa đảo, khiếu nại, tố cáo, thì cần phải đảm bảo rõ ràng, công khai và dứt điểm.
Nhận diện bản chất pháp lý, quyền và nghĩa vụ đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp là cần thiết
Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích những nội dung cốt lõi và mang tính thực tiễn cao nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện đúng và đầy đủ các yêu cầu pháp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.
Trong đó, trọng tâm là việc nhận diện bản chất pháp lý, quyền và nghĩa vụ đặc thù của từng loại hình doanh nghiệp như doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh, từ đó giúp doanh nghiệp lựa chọn mô hình phù hợp với chiến lược phát triển và năng lực điều hành.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh những đổi mới quan trọng của Luật Doanh nghiệp năm 2020 trong quản lý ngành, nghề kinh doanh, đặc biệt là việc cụ thể hóa nguyên tắc “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh những gì mà pháp luật không cấm”, đồng thời làm rõ ranh giới pháp lý đối với các ngành, nghề bị cấm hoặc hạn chế đầu tư kinh doanh theo quy định tại Luật Đầu tư.
Thông qua đó, doanh nghiệp được định hướng rõ ràng trong việc xác lập và triển khai lĩnh vực kinh doanh, bảo đảm không vi phạm quy định pháp luật và giảm thiểu rủi ro pháp lý trong quá trình hoạt động.
Bên cạnh đó, hội nghị dành sự quan tâm đặc biệt đến vai trò của người đại diện theo pháp luật - chủ thể có vị trí trung tâm trong tổ chức và vận hành doanh nghiệp.
Toàn cảnh hội nghị
Tăng cường bảo vệ pháp lý cho doanh nghiệp: Kiến nghị từ thực tiễn
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chủ tịch, Trưởng Cơ quan đại diện Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tại TP.HCM - đã đưa ra nhiều kiến nghị quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế - công nghệ ngày càng phức tạp và biến động.
Ông Nguyễn Quang Huy - Phó Chủ tịch, Trưởng Cơ quan đại diện Hiệp hội Khởi nghiệp Quốc gia tại TP.HCM.
Ông Nguyễn Đình Thắng - Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) đã đưa ra một số ý kiến đóng góp liên quan đến Luật Đất đai 2024 do Quốc hội ban hành và Nghị định 76/2025 của Chính phủ (ban hành ngày 1/4/2025). Ông Thắng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý đất đai, đặc biệt trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia đồng bộ, minh bạch và kết nối liên thông giữa các bộ, ngành.
Theo ông, cần có quy định cụ thể hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật, bảo mật thông tin và cơ chế chia sẻ dữ liệu để đảm bảo hiệu quả trong thực thi pháp luật, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận thông tin và thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai trên nền tảng số.
Ông cũng đề xuất tăng cường vai trò của các tổ chức nghề nghiệp trong quá trình phản biện, góp ý chính sách, đảm bảo các quy định pháp luật sát thực tiễn và hỗ trợ tốt hơn cho công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Ông Nguyễn Đình Thắng – Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam (VAIP), Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA)
Kết thúc hội nghị, các chuyên gia và đại biểu đều thống nhất rằng, việc thiếu thông tin, thiếu sự hiểu biết về các quy định pháp luật thời gian qua đã trực tiếp ảnh hưởng lớn tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vừa và nhỏ. Do vậy, việc hoàn thiện hành lang pháp lý cho doanh nghiệp là yêu cầu cấp thiết. Kiến nghị Cục PBGDPL&TGPL (Bộ Tư pháp) là đầu mối phối hợp chặt chẽ hơn với các đơn vị của các bộ, ngành địa phương để có giải pháp hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp một cách thiết thực nhất.
Publish: Doanh Nhân Thành Thị – Business.Cosmolife.vn | Source: Báo điện tử Pháp luật Việt Nam