Ngân hàng Nhà nước tập trung điều hành chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô
20456 views
23-07-2024
Share on Google+ Share on Twitter Share on Facebook Share on Pinterest Share on Linkedin

(Doanh Nhân Thành Thị – Business.Cosmolife.vn) Tại buổi họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết trong 6 tháng đầu năm 2024, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Tái cơ cấu ngành Ngân hàng, về cơ bản các ngân hàng đều được phê duyệt đề án tái cơ cấu và đang tích cực triển khai.

Ngày 23/7, tại Hà Nội và trực tuyến tại TP. HCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo.


Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú chủ trì buổi họp báo

Nhiều kết quả tích cực

Phát biểu mở đầu buổi họp báo, Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, tăng trưởng không đồng đều tại các quốc gia, khu vực do tác động của điều kiện tài chính thắt chặt, xung đột địa chính trị, rủi ro tài chính gia tăng. Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) giữ mức lãi suất cao lâu hơn kỳ vọng thị trường cùng sự phân hóa trong điều hành chính sach tiền tệ (CSTT) của nhiều NHTW khiến đồng tiền của nhiều nước bị giảm giá. Tuy kinh tế trong nước đã có sự phục hồi tích cực, lạm phát ổn định nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức do chịu tác động của kinh tế thế giới và những vấn đề nội tại của kinh tế trong nước, hệ quả dai dẳng từ đại dịch Covid…

Trong bối cảnh đó, với kinh nghiệm điều hành trong những năm trước đây, NHNN đã chủ động bám sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước để triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, phục hồi sản xuất - kinh doanh, tăng khả năng hấp thụ vốn cho nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, an toàn hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, NHNN xác định 2 nhiệm vụ chính trị và trọng tâm nhất, đó là góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tễ vĩ mô và tăng trưởng tín dụng hỗ trợ nền kinh tế.

Trong điều hành lãi suất, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế; đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay; yêu cầu các TCTD công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng, qua đó, nhằm cung cấp thêm thông tin cho khách hàng tham khảo khi tiếp cận vốn vay.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm tỷ giá có nhiều biến động đặt ra áp lực cho nhà điều hành phải điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình trong và ngoài nước, góp phần hấp thụ các cú sốc bên ngoài, giữ ổn định được thị trường ngoại tệ và hạn chế được các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, ổn định giá trị đồng tiền; thanh khoản thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

Về tỷ giá, Phó Thống đốc cho hay, đây là một vấn đề lớn, phức tạp trong quá trình điều hành thời gian qua. Tỷ giá có quan hệ tổng hoà với nhiều yếu tố vĩ mô về lãi suất, cung tiền, tác động từ các nền kinh tế lớn, tâm lý thị trường. Để giải quyết nhiều vấn đề lớn như vậy, NHNN đã linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp, trong trường hợp cần thiết sử dụng các biện pháp mạnh bán ngoại tế đảm bảo vừa giữ tỷ giá ở mức hợp lý, đảm bảo nguồn cung ngoại tệ DN, giữ ổn định tâm lý NĐT trong và ngoài nước… Qua đó giúp tỷ giá vẫn ổn định, mức mất giá khoảng 4,4%, thấp hơn so với nhiều nước.

Phó Thống đốc nhận định, trong điều hành tỷ giá nhất là trước bối cảnh nền kinh tế biến động điều hành tỷ giá phải rất linh hoạt không thể cứng hay cố định mà làm sao đảm bảo hài hoà giữa các vấn đề như trạng thái ngoại tệ, cung cầu ngoại tệ, xuất khẩu, nhập khẩu, tỷ giá, lãi suất…

Với quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, với sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các giải pháp đồng bộ của NHNN và sự phối hợp của các Bộ ngành liên quan, đến nay chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới qui đổi đã giảm đáng kể. Giá bán vàng miếng SJC trên thị trường trong nước đã giảm mạnh, chênh lệch trên 5 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Mục tiêu cơ bản ban đầu là xử lý và kiểm soát chênh lệch giá vàng miếng SJC so với giá vàng thế giới trong biên độ phù hợp đã đạt được.

Về tín dụng, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng. NHNN liên tục có các văn bản chỉ đạo các TCTD quyết liệt thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm; yêu cầu các đơn vị thuộc NHNN, TCTD, NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện để tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng hiệu quả trong năm 2024.

Mặc dù quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện triển khai đồng bộ nhiều chính sách nhưng 2 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng ở mức âm, từ tháng 3/2024 trở đi, tín dụng đã tăng trưởng trở lại. Tính đến cuối tháng 6/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 6% so với cuối năm 2023, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh.

image

Toàn cảnh Họp báo

Bên cạnh đó, các TCTD tích cực triển khai các chương trình tín dụng như: Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư; chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tín dụng chính sách; các chương trình mục tiêu quốc gia…

Trong 6 tháng đầu năm 2024, sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD tiếp tục được giữ vững, quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền được bảo đảm. Tái cơ cấu ngành Ngân hàng, về cơ bản các ngân hàng đều được phê duyệt đề án tái cơ cấu và đang tích cực triển khai.

Về hoạt động thanh toán, khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách cho hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) và hoạt động ngân hàng số tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện, tạo sự đồng bộ và điều kiện thuận lợi cho phát triển TTKDTM, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số, ứng dụng công nghệ mới và đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán. Bên cạnh đó, ngành Ngân hàng đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng trên môi trường mạng. Nhờ dó, hoạt động TTKDTM và chuyển đổi số ngân hàng tiếp tục đạt kết quả tích cực.

Về hoàn thiện hành lang pháp lý, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hệ thống pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng tiếp tục được chú trọng hoàn thiện, vừa bảo đảm hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn vừa bám sát yêu cầu thực tiễn, đáp ứng kịp với xu thế và chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Ngày 18/1/2024, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Các TCTD số 32/2024/QH15, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2024. NHNN đang tiến hành xây dựng trình cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Các TCTD 2024 để đảm bảo thực hiện đồng bộ với các quy định của Luật Các TCTD 2024.

image

Phó Thống đốc Thường trực Đào Minh Tú điều hành buổi họp báo

Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, uyển chuyển, năng động

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong 6 tháng đầu năm, cùng với những dự báo về kinh tế thế giới và trong nước thời gian tới, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, uyển chuyển, năng động phù hợp với xu hướng diễn biến kinh tế thế giới cũng như trong nước để vừa tận dụng cơ hội thuận lợi vừa hoá giải thách thức đảm bảo các mục tiêu đặt ra: kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giá trị đồng tiền, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Về tăng trưởng tín dụng, NHNN sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh tín dụng vào những lĩnh vực trọng tâm, là động lực của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy mạnh các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro… Tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong cung ứng và tiếp cận tín dụng ngân hàng.

Về Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang trình Chính phủ để nâng điều kiện ưu đãi hơn cho người mua nhà, còn các doanh nghiệp thì vẫn được hưởng các ưu đãi trước đây. Đồng thời, NHNN cũng khuyến khích và tạo điều kiện để các NHTM tham gia chương trình.

Trong những tháng còn lại của năm, NHNN sẽ triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các TCTD hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Thực hiện có hiệu quả Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý cho lĩnh vực thanh toán, tạo cơ sở, căn cứ pháp lý để phát triển các mô hình, dịch vụ thanh toán mới. Tiếp tục phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06, tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho các giao dịch thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ.

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cùng đại diện một số Vụ, Cục của NHNN đã trả lời một số câu hỏi của báo chí liên quan đến điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng…

Publish: Doanh Nhân Thành Thị – Business.Cosmolife.vn | Source: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
RELATED NEWS

MB và Mastercard ra mắt thẻ MB Priceless World Elite Mastercard tại Việt Nam

19351 views
09-08-2024
Ngày 08/8/2024, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) và công ty công nghệ thanh toán quốc tế Mastercard ra mắt dòng thẻ cao cấp MB Priceless World Elite Mastercard, được thiết kế độc quyền cho giới thượng lưu.

NAPAS, Mastercard và Payoo triển khai chương trình an sinh xã hội Chạm sẻ chia, Trao hy vọng trao cơ hội tầm soát ung thư miễn phí cho phụ nữ yếu thế

21874 views
17-07-2024
Song hành cùng chương trình khuyến mãi nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không tiếp xúc trên quy mô lớn, Công ty Cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS), Mastercard và Trung gian Thanh toán Payoo tiếp tục triển khai chương trình an sinh xã hội “Chạm sẻ chia, Trao hy vọng” nhằm mang đến cơ hội tầm soát ung thư miễn phí cho hàng ngàn phụ nữ khó khăn.

Toàn cảnh chi trả chi quyền lợi bảo hiểm Prudential Việt Nam năm qua như thế nào?

17183 views
05-07-2024
Nhìn vào số liệu chi trả bồi thường tại Prudential năm 2023, số ca bồi thường cho các trường hợp mắc bệnh lý hiểm nghèo thuộc độ tuổi từ 25-50 chiếm lên đến 60%. Tỷ lệ chấp thuận yêu cầu chi trả bảo hiểm ở Prudential là trên 90%. 6 trên 10 ca bồi thường bảo hiểm tại Prudential nằm trong độ tuổi lao động “vàng”.

Gemadept lợi nhuận đạt hơn 50% kế hoạch, lên kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng

22355 views
25-06-2024
Công ty Cổ phần Gemadept (HOSE: GMD) đã thông qua kế hoạch kinh doanh, huy động vốn, đầu tư trong năm 2024 tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 diễn ra sáng ngày 25/6/2024. Tại đại hội, ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng giám đốc Gemadept lên kế hoạch doanh thu 4.000 tỷ đồng, bằng 102% so với kế hoạch năm 2023. Gemadept sẽ tiếp tục đầu tư, nâng cao năng lực hệ sinh thái cảng và logistics. 

Tiếp tục nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt

21163 views
14-06-2024
Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông thuộc Ngân hàng Nhà nước phối hợp các đơn vị tổ chức Hội thảo Nâng cao bảo mật, an toàn giao dịch không tiền mặt và tổ chức nhiều sự kiện khuyến khích giao dịch không tiền mặt.