(Doanh Nhân Thành Thị – Business.Cosmolife.vn) Lễ hội “Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024” lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã chính thức khai mạc tối 24/5. Lễ hội được kỳ vọng sẽ tạo ra môi trường giao lưu, quảng bá, xúc tiến thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Lễ hội quy tụ sự tham gia của 15 quốc gia và 20 tỉnh, thành của Việt Nam, 160 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, mô hình trải nghiệm sâm và hương liệu, dược liệu, 40 gian hàng trải nghiệm ẩm thực.
Mới đây, Lễ hội Sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất do Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp cùng các đơn vị tổ chức đã khai mạc tại trục đường Lê Lợi, quận 1. Sự kiện sẽ diễn ra từ ngày 24 – 26/5/2024.
Lễ hội lần đầu tiên tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chào đón đại diện bộ, ngành, các địa phương và doanh nghiệp có thế mạnh về sâm và hương liệu, dược liệu như: Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, các quốc gia Đông Nam Á, 20 địa phương trong nước và 60 đơn vị doanh nghiệp, hợp tác xã
Phát biểu khai mạc sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan cho biết, theo thống kê của Viện Dược liệu, nước ta có hơn 5.000 loài thực vật và nấm, 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc.
Trong số đó, có nhiều loài dược liệu quý hiếm như Sâm ngọc linh, Sâm Lai Châu, Lan kim tuyến, Tam thất hoang,..
Ngoài ra, Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành dược phẩm, đạt mức 8,5 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới.
Với xu thế sử dụng các dược liệu thiên nhiên để chăm sóc sức khỏe trên thế giới, chúng ta cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia chủ lực, nổi tiếng về sâm và hương liệu, dược liệu trên thế giới, đặc biệt với các loài sâm bản địa như Sâm Ngọc Linh - loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và được xem như là Quốc bảo của Việt Nam.
Để đạt được mục tiêu trên, ngành sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam cần vượt qua các thách thức, hiện đại hoá công nghệ chế biến, sản xuất, thương mại hoá hiệu quả các sản phẩm.
Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu Quốc tế TPHCM năm 2024 lần đầu tiên sẽ góp phần triển khai Quyết định số 611 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, đồng thời thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP. Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về “việc ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp”, là thành phố đi đầu cả nước về ngành nông nghiệp công nghệ cao, sẵn sàng là cầu nối thúc đẩy giao lưu, phát triển ngành Sâm và hương liệu, dược liệu trên cả nước và quốc tế, “trở thành trung tâm giống cây, giống con của khu vực”.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan bày tỏ tin tưởng, Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu Quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024 sẽ là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu, tạo cơ hội cho thành phố cùng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tìm kiếm đối tác, qua đó nâng cao giá trị, hình ảnh sâm của Việt Nam; đưa các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam nói chung, “Quốc bảo Việt Nam” – Sâm Ngọc Linh nói riêng vươn tầm thế giới.
Bên cạnh mục tiêu kinh tế, tin rằng các hoạt động của Lễ hội sẽ mang lại những trải nghiệm văn hóa sinh động cho người dân, tạo điều kiện để người dân thành phố tìm hiểu về các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu quý hiếm, đặc hữu trong nước và quốc tế.
Lễ hội lần này quy tụ sự tham dự của 11 quốc gia và vùng lãnh thổ với 14 đoàn lãnh đạo địa phương, bộ ngành quốc tế; 20 tỉnh thành của Việt Nam, 160 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, mô hình trải nghiệm sâm và hương liệu, dược liệu, 40 gian hàng trải nghiệm ẩm thực, hơn 55 tiết mục biểu diễn nghệ thuật được chia làm 8 khung chương trình biểu diễn của 7 địa phương trong nước và 4 đoàn biểu diễn quốc tế. Ngoài ra, Lễ hội còn có các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và hội thảo chuyên đề.
Việt Nam được biết đến như một nền kinh tế đang phát triển với nhiều nét đặc trưng về văn hóa, trong đó ngành sâm và hương liệu, dược liệu là một trong những ngành thế mạnh. Các sản phẩm này đã và đang được xuất khẩu sang các nước trên thế giới và đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước.
Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa được Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định phê duyệt ngày 1/6/2023, với các mục tiêu: bảo tồn nguồn gen sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng và bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; mở rộng diện tích trồng sâm Việt Nam; tăng sản lượng sản xuất sâm Việt Nam đạt tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi...
Publish: Doanh Nhân Thành Thị – Business.Cosmolife.vn | Source: Thông tin và Phát triển