(Business.Cosmolife.vn) Ham lãi suất cao, nhiều người đã gửi tiền vào quỹ đầu tư của các công ty công nghệ tài chính. Thế nhưng sau đó, họ không nhận được tiền lãi đúng hạn và có nguy cơ mất luôn tiền gốc.
Nhà đầu tư bị lãi suất cao hớp hồn
Chị T.L.T. (quận 4, TPHCM) kể, chị gửi tiền qua ứng dụng (app) của Công ty cổ phần Đầu tư KSFinance - hoạt động trong lĩnh vực đầu tư, phát triển bất động sản và công nghệ tài chính - do thấy lãi suất cao.
Cụ thể, theo nhân viên KSFinance, ứng dụng này chấp nhận số tiền đầu tư từ một triệu đồng, nhà đầu tư có thể rút vốn bất cứ lúc nào mà vẫn có lãi hoặc có thể chuyển nhượng vốn góp cho bên thứ ba. Khi đầu tư vào kênh này, bên gửi tiền sẽ được hưởng lãi suất 4% sau 7 ngày, 4,5% sau 14 ngày, 6,6% sau 1 tháng, 9,2% sau 9 tháng, 11% sau 12 tháng.
“Trong một năm đầu, tôi được chủ ứng dụng trả gốc và lãi đúng hạn. Nhưng, ngày 7/11 vừa qua là đến kỳ hạn của khoản tiền gửi 50 triệu đồng, ngày 9/11 là đến kỳ hạn của khoản tiền gửi 172 triệu đồng, tôi vẫn chưa nhận được tiền gốc và lãi. Tôi còn một khoản tiền gửi lớn lên tới 30 tỉ đồng, hạn rút là tháng 6/2023 nhưng với tình trạng chậm chi trả này, tôi rất lo” - chị T. nói.
Tương tự, chị Đ.T.H. (TPHCM) đầu tư 2 tỉ đồng vào ứng dụng của KSFinance. Thời hạn kết thúc hợp đồng là ngày 15/11 nhưng đến nay, chị H. chưa nhận được tiền gốc, tiền lãi. Phía công ty cũng không có thông báo nào bằng văn bản đến chị H. về phương án trả nợ khiến chị rất lo lắng.
Đầu tư tiền vào ứng dụng của Công ty cổ phần Tập đoàn Fintech Land, chị H.N.T.N. (TP Thủ Đức, TPHCM) và một số người khác cũng đang lo mất trắng tiền. Theo chị N., công ty này quảng cáo nhiều gói đầu tư với lãi suất rất cao. Khi đầu tư 10 triệu đồng, người gửi tiền nhận về 31.500 đồng/ngày, 945.000 đồng/tháng, 22.680.000 đồng/năm, gấp đôi số tiền bỏ ra. Tính ra, lãi suất tương đương 226,8%/24 tháng. Công ty này thỏa thuận sẽ dùng vốn của nhà đầu tư để kinh doanh bất động sản.
“Tôi đã đầu tư 200 triệu đồng, được cam kết nhận về cả gốc lẫn lãi là 453,6 triệu đồng sau 1 năm. Trong vài tháng đầu, công ty chi trả lãi suất đều đặn nhưng sau đó chậm trả dần. Đến tháng Chín vừa qua, công ty ngưng chi trả. Tôi tìm hiểu thì được biết, đang có hàng trăm người ở TP Đà Nẵng cũng bị ngưng chi trả như tôi” - chị N. cho hay.
Đổi tiền đầu tư thành bất động sản
Theo lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư KSFinance, việc chậm chi trả là do thị trường bất động sản trầm lắng, hạn mức tín dụng ở các ngân hàng bị thắt chặt, các khoản thu bị chậm. Đây là khó khăn ngắn hạn do tác động của thị trường chung.
Mới đây, KSFinance đã gửi thông báo cho những khách hàng bị chậm thanh toán. Theo đó, với những khoản đầu tư dưới 500 triệu đồng, việc thanh toán sẽ chia làm 4 kỳ, mỗi kỳ trễ nhất là từ 30-120 ngày; với những khoản đầu tư trên 500 triệu đồng, việc thanh toán chia làm hai kỳ, mỗi kỳ muộn nhất là từ 90-180 ngày. Nếu công ty vẫn chậm chi trả theo lộ trình thì lợi ích của khách hàng vẫn được tính đến thời điểm chi trả và mỗi hợp đồng được cộng thêm lãi suất 2%/năm hoặc khách hàng có thể dùng giá trị hợp đồng đến hạn để mua lại các sản phẩm bất động sản với mức chiết khấu 30%, đặt mua bất động sản với nhiều ưu đãi.
Chị N.A. (TPHCM) cho hay, chị đầu tư 1,5 tỉ đồng vào KSFinance, tháng Mười một này là đến hạn thanh toán gốc và lãi nhưng chị lại nhận được thông báo về phương án chuyển đổi giá trị hợp đồng sang bất động sản. “Giá bất động sản của công ty dao động từ 50-200 triệu đồng/m2, rất đắt và vượt xa nhu cầu, khả năng của tôi và nhiều nhà đầu tư khác. Tôi gửi tiền vào đây để lấy lãi ra chi tiêu, nay công ty chậm chi trả khiến cuộc sống gia đình tôi đảo lộn” - chị A. nói.
Còn theo chị H.N.T.N., hiện tại, một số nhân viên đã lập hợp đồng đầu tư cho chị cũng như người đứng đầu Fintech Land đều đã khóa điện thoại nên chị và các nhà đầu tư khác không thể liên lạc được. Chị lo sẽ mất trắng toàn bộ tiền đầu tư.
Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - các doanh nghiệp đang chịu áp lực lớn về trả nợ trái phiếu, nợ các sản phẩm đầu tư khác nhưng lại không có cách nào để huy động vốn trong tình hình hiện nay. Để tránh nguy cơ vỡ nợ, các doanh nghiệp bất động sảnphải bán bớt tài sản của mình hoặc lấy giá trị hợp đồng đầu tư đổi sản phẩm (căn hộ, đất phân lô, biệt thự) hay các dịch vụ của doanh nghiệp với chiết khấu hấp dẫn. Do đó, sẽ có đợt bán rẻ bất động sản trong vòng 3-6 tháng tới.
Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế - nhận định, việc KSFinance vay “nóng” của nhà đầu tư từng ngày với lãi suất cao như vậy chứng tỏ công ty này đang gặp khó khăn về tài chính. Nếu sản phẩm bất động sản có giá trị hợp lý so với mức tiền gửi vào thì nhà đầu tư nên nhận bất động sản. Tuy nhiên, giải pháp “hàng đổi hàng” này vẫn tiềm ẩn rủi ro về mặt pháp lý, nhất là với những doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính. Do đó, nhà đầu tư cần tìm hiểu xem tài sản này được cấp phép mua bán hay chưa, giá cả có hợp lý không và chỉ nên nhận tài sản có tính pháp lý đầy đủ.
Cũng theo ông Đinh Trọng Thịnh, các nhà đầu tư tại Fintech Land nên trình báo vụ việc với cơ quan công an, bởi việc huy động vốn qua hợp đồng “hợp tác kinh doanh” của công ty này có dấu hiệu đa cấp, lấy tiền của người trước trả cho người sau (nên mới có lãi suất 113%/năm). Do chưa có khung pháp lý hoàn thiện về hình thức “hợp tác kinh doanh” hoặc “hợp tác đầu tư” kiểu này nên nhà đầu tư phải chịu nhiều rủi ro, bởi hợp tác thì “lời ăn lỗ chịu”.
Edit: Doanh Nhân Thành Thị - Business.Cosmolife.vn | Source: Phụ Nữ Online